Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Tam Kỳ, nhiệm kỳ 2010-2015, trong 2 năm qua, cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị của thành phố không ngừng tập trung quyết liệt trong công tác lãnh đạo, điều hành theo hướng hiệu lực, hiệu quả cao trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại 2 vào năm 2015. Để xác định rõ về chức năng, nhiệm vụ từ nay đến năm 2015 của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thành phố, vào cuối tháng 2 năm 2012, Đồng chí Bùi Quốc Đinh-Bí thư Thành uỷ Tam Kỳ đã chủ trì làm việc với các cơ quan thuộc ngành Văn hóa thông tin thành phố, kết luận buổi làm việc đồng chí đã chỉ ra 7 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Văn hóa thông tin thành phố cần tập trung thực hiện là:
1. Tiếp tục xác định rõ hơn về định hướng và nhiệm vụ phát triển của ngành trong những năm tới, trong đó đặc biệt lưu ý công tác quy hoạch phát triển ngành và tổ chức các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao phải được tập trung đẩy mạnh theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả đáp ứng các yêu cầu phát triển đô thị Tam Kỳ với vai trò là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam.
2. Về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ: Tiếp tục giữ vững và phát triển rộng khắp các phong trào và hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở các đơn vị, địa phương. Đồng thời, tập trung nghiên cứu tìm giải pháp để đẩy mạnh một số hoạt động mang tính chiều sâu, chuyên nghiệp như: phát triển các câu lạc bộ, các nhóm nghệ thuật hát bài chòi, khôi phục đội múa lân-sư-rồng, tập hợp đội ngũ và nâng cao hoạt động sáng tác của các văn nghệ sỹ,... Đẩy mạnh công tác xây dựng các thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở, xây dựng gia đình, tộc họ, thôn-khối phố và xã phường văn hóa, xây dựng tuyến phố văn minh; nâng cao chất lượng các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với công tác vận động thực hiện nội dung “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị” trên toàn thành phố.
3. Về hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan và TDTT: tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ đối với các điểm sinh hoạt cộng đồng, về các hoạt động quảng cáo, các cụm pa nô chiến lược trên địa bàn. Tăng cường công tác cổ động trực quan, nhất là trên các tuyến đường chính, các điểm sinh hoạt cộng đồng vào các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị quan trọng. Triển khai quy hoạch và xây dựng các đề án công viên công cộng, quảng trường, tượng đài danh nhân văn hóa-lịch sử, biểu tượng Tam Kỳ. Tiếp tục giữ vững phong trào TDTT, đồng thời đầu tư phát triển các môn thể thao thành tích cao mà Tam Kỳ có thế mạnh; chú ý phát triển năng khiếu và đào tạo nhân lực về thể dục thể thao. Nghiên cứu hình thành các câu lạc bộ võ thuật, đội bóng chuyền và mô hình thể dục thể thao khác theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực đầu tư.
4. Về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị: việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị phải quán triệt quan điểm về mối quan hệ biện chứng với việc giảm thiểu, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Xây dựng văn hóa văn minh phải gắn phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo QPAN, TTATXH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thống nhất chủ trương tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện đề án xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Tập trung đẩy mạnh triển khai xây dựng các tuyến phố văn minh theo hướng chất lượng, dứt điểm.
5. Về phát triển du lịch, dịch vụ: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá về hoạt động du lịch, dịch vụ. Tập trung nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển các loại hình du lịch mà thành phố có tiềm năng như: du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử,...trên cơ sở đó hình thành các tuyến du lịch phù hợp, trong đó chú ý các điểm du lịch cần đầu tư quy hoạch, khai thác như: hồ Phú Ninh, bãi biển Tam Thanh, bãi sậy sông Đầm, địa đạo Kỳ Anh và các di tích văn hóa lịch sử khác. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cụm di tích Phủ lỵ Tam Kỳ, mộ cụ mục Thuyết, Văn Thánh Khổng miếu,...
6. Đầu tư xây dựng nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố, chuẩn bị tốt về đội ngũ cán bộ quản lý và tổ chức hoạt động hiệu quả.
7. Về công tác bộ máy, cán bộ: Chủ động rà soát lại đội ngũ CBCC để làm tốt việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ; làm tốt công tác quản lý, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, có biện pháp hợp lý với những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.