Quang cảnh hội nghị
|
Sáng ngày 22.2, UBND thành phố Tam Kỳ tổ chức hội nghị công tác xây dựng cơ bản năm 2023 và đánh giá thực hiện Nghị quyết số 269/NQ-HĐND ngày 04/1/2021 của HĐND thành phố Tam Kỳ về phân cấp xã hóa đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn xã, phường đối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 3 tỷ đồng. Đồng chí Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND thành phố chủ trì hội nghị. Tham dự và phát biểu chỉ đạo có đồng chí Trần Nam Hưng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy Bí thư Thành ủy Chủ tịch HĐND thành phố Tam Kỳ.
|
Năm 2022, UBND thành phố Tam Kỳ tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư. Qua đó công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả, tiến độ thực hiện các dự án được thúc đẩy, giải ngân cơ bản đảm bảo kế hoạch, các công trình được nghiệm thu, quyết toán dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả; nợ XDCB luôn được kiểm soát.
Năm qua, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 20 dự án, trong đó HĐND thành phố phê duyệt 15 dự án, UBND thành phố phê duyệt 5 dự án. HĐND xã, phường đã phê duyệt chủ trương đầu tư 131 dự án. Công tác thẩm định, phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật thực hiện đảm bảo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Trong năm, phòng QLĐT đã thẩm định 291 hồ sơ dự án đầu tư; UBND thành phố phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật 164 dự án, UBND xã phường phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật 127 dự án. Năm qua, UBND thành phố thực hiện được 576 gói thầu thuộc các dự án nhóm B,C. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 580,9 tỷ đồng. Trong đó vốn Trung ương trên 1.8 tỷ đồng; vốn tỉnh 176,5 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố 402,6 tỷ đồng. Tính đến 31/01/2023 đã giải ngân 551,7/580,9 tỷ đồng, đạt 94,97%. Riêng đối với cấp xã: đã giải ngân 89.950/103.936 triệu đồng, đạt 86,5%. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: An Mỹ (100%), An Xuân (99,3%), Trường Xuân (97,3%). Năm 2022, thành phố phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành 59 công trình với tổng giá trị phê duyệt 93.793 triệu đồng, giảm so với đề nghị của chủ đầu tư 539 triệu đồng. Tính đến 31/01/2023, nợ xây dựng cơ bản của thành phố: 36,607 tỷ đồng (Khoản nợ tại các dự án chủ yếu là khoản giữ lại theo Hợp đồng.
Công tác thẩm định phương án bồi thường các dự án được UBND thành phố đặc biệt quan tâm và chú trọng thực hiện. Trong năm 2022, UBND thành phố phê duyệt BT-GPMB-TĐC 89 phương án với tổng kinh phí khoảng 122 tỷ đồng. Đã ban hành 11 quyết định cưỡng chế thu hồi đất; phê duyệt 6 Phương án cưỡng chế thu hồi đất để tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện Dự án. Công tác tổ chức cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Đối với dự án khởi công mới 2022 có 40 danh mục, trong đó có 4 danh mục quy hoạch (36 dự án đầu tư xây dựng công trình); đã phê duyệt chủ trương đầu tư 36/36 dự án; đã phê duyệt dự án đầu tư 35/36 dự án; trong đó 17 dự án đã triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công. Tập trung BT-GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 24 dự án khớp nối hạ tầng đô thị đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án khớp để thực hiện từ năm 2023 .
Đối với tình hình triển khai khớp nối hạ tầng xã, phường theo Nghị quyết số 269/NQ-HĐND và Nghị quyết số 364/NQ-HĐND của HĐND thành phố; UBND thành phố đã thống nhất hỗ trợ UBND các xã, phường thực hiện đầu tư tổng cộng 66 công trình với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu 104,2 tỷ đồng. Đến nay có 60/60 công trình do UBND các xã, phường làm chủ đầu tư đã phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 74,4 tỷ đồng. Năm 2023 có 80 công trình được hỗ trợ đầu tư với tổng mức dự kiến 127,9 tỷ đồng. Hiện nay các địa phương đang triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.
Hội nghị đã nhìn nhận những kết quả đạt được và trao đổi thẳng thắn những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022 như công tác triển khai quy hoạch xây dựng vẫn còn gặp khó khăn; một số hợp đồng xây lắp thực hiện giai đoạn 2021 - 2022 có giá vật liệu xây dựng tăng đột biến dẫn đến nhiều nhà thầu thi công cầm chừng; thiết kế - dự toán một số dự án chưa đảm bảo chất lượng; công tác BT-GPMB gặp nhiều khó khăn, cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi; một số chủ đầu tư còn chậm trong việc hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo quyết toán hoàn thành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhiều dự án chờ quyết toán đã bố trí kế hoạch vốn nhưng chưa hoàn thành thủ tục để quyết toán. Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 269/NQ-HĐND, nhiều địa phương chậm trong việc hoàn thiện các thủ tục để đầu tư dự án nên khối lượng giải ngân trong năm còn thấp …
Bên cạnh những tồn tại, vướng mắc được nêu ra, hội nghị cũng đã đề xuất 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2023. Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Trần Nam Hưng nhấn mạnh: Các phòng ban chuyên môn đẩy mạnh công tác tham mưu thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản trong tình hình mới; nghiên cứu chuyển hướng đầu tư cho phù hợp để giải ngân đầu tư đạt hiệu quả; chuẩn bị những dự án đầu tư lớn, quan trọng có khả năng giải ngân cao; tạo động lực và nguồn lực mới trong xây dựng cơ bản. Đề nghị các địa phương rà soát các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng tinh thần Nghị quyết 269; quan tâm công tác xã hội hóa trong đầu tư và ưu tiên các dự án phục vụ sản xuất, đi lại cho Nhân dân. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các khâu của đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, nếu để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm liên đới.