Sáng ngày 26/7 đ/chí Trần Nam Hưng PCT-UBND Thành phố chủ trì hội nghị sơ kết hoạt động tín dụng phục vụ nông nghiệp,nông thôn theo Nghị định 41 của chính phủ,đến dự có đ/chí Đoàn Ngọc Vinh PGĐ ngân hàng NN&PTNT tỉnh Q/nam.
Việc thực hiện nghị định 41/CP của chính phủ là bước ngoặc lớn tạo điều kiện cho các hộ nông dân các chủ trang trại có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, theo đó mức cho vay không có tài sản thế chấp lên đến 50 triệu đồng đối với hộ nông dân, đến 200 triệu đối với hộ sản xuất kinh doanh ngành nghề làm dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn và đến 500 triệu đồng đối với các HTX nông nghiệp,các chủ trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định. Đây cũng là điều kiện để nguồn vốn tín dụng ngân hàng nông nghiệp mở ra những vùng sản xuất quy mô và cũng là bước đệm để nông dân trở thành những ông chủ lớn trong sản xuất kinh doanh. Với tinh thần đó, Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT Thành phố đã chủ động làm việc với Hội nông dân Thành phố, tổ chức ký kết phương án triển khai và tuyên truyền để nông dân biết và tiếp cận nguồn vốn vay, thành lập các tổ vay vốn để kịp thời kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn sử dụng dúng mục đích và thu hồi nguồn vốn vay, nhờ vậy nguồn vốn tín dụng đã góp phần tạo bước phát triển mới trong lĩnh vực nông nghiệp,nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm 2012 Chi nhánh ngân hàng nông nghiệp PTNT Thành phố Tam Kỳ đã giải ngân cho vay theo nghị định 41 gồm 911 lượt hộ nông dân với số tiền trên 14 tỷ đồng , chiếm tỷ trọng 8,64% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nguồn vốn chủ yếu đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy hải sản, nhìn chung nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và mang lại hiệu quả.
Hội nghị cũng đã nhìn nhận những tồn tại khó khăn, nhất là công tác truyền tải thông tin đến với người dân còn hạn chế, nguồn vốn huy động của ngân hàng cũng đang ở mức thấp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nông dân, mặt khác các địa phương và các đoàn thể chưa phối hợp tốt với ngân hàng trong công tác vận động thu hồi nợ vay nên nợ tồn đọng kéo dài nhiều năm còn cao, chính vì thế nhiều địa phương không được xem xét giải ngân cho các đợt kế tiếp làm ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của nhiều hộ sản xuất,kinh doanh. Các đại biểu tham dự cũng đã nêu lên một số ý kiến, kiến nghị với ngân hàng nên phối hợp với địa phương kiện toàn lại các tổ vay vốn, thành lập mới các tổ vay vốn của nông dân, của làng nghề và đề nghị Thành phố hỗ trợ lãi suất vốn vay giúp nông dân giảm bớt khó khăn do giá cả thị trường tăng vọt, trong khi giá bán ra từ các mặt hàng nông nghiệp thường bị động. Ngoài việc tăng cường các giải pháp đốc thu nợ cũ, xử lý bằng pháp luật đối với các hộ chay lì thì cũng nên quan tâm khoanh nợ, tạo điều kiện cho vay đáo hạn cho những trường hợp sản xuất, chăn nuôi gặp rủi ro do thời tiết dịch bệnh và đề nghị ngân hàng nông nghiệp tỉnh nên ưu tiên tăng thêm nguồn vốn cố định cho Chi nhánh ngân hàng Tam Kỳ để đảm bảo điều kiện giải ngân kịp thời cho khách hàng và nên xem xét hạ trần lãi suất vốn vay để giữ được khách hàng truyền thống và mở rộng đối tượng vay sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều hơn, đây cũng là động thái tích cực góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn trong thời kỳ CNH-HĐH.