|
Ngày 26/12, UBND TP Tam Kỳ tổ chức Hội thảo(lần 2) thông qua đề án “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do công ty Nikken Sekkei Nhật Bản tư vấn báo cáo. Hơn 60 đại biểu đến từ Bộ Xây dựng cùng đại diện các ban ngành của tỉnh, lãnh đạo thành phố và các ban ngành liên quan đến dự. Đồng chủ trì hội thảo gồm: ông Nguyễn Tấn Vạn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, CT Hội KTS Việt Nam; ông Trần Trọng Hanh – Nguyên vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch, PCT Hội động Kiến trúc Việt Nam; ông Ngô Trung Hải Viện Trưởng viện quy hoạch đô thị và nông thôn Việt Nam; ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội và ông Nguyễn Văn Lúa – CT.UBND TP Tam Kỳ.
|
Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực quy hoạch đô thị nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển KTXH, hướng tới xây dựng thành phố có vai trò là động lực kinh tế xã hội của khu vực, là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ; Xây dựng đô thị sinh thái hài hòa với môi trường thiên nhiên, đảm bảo an toàn quốc gia cùng với sự phát triển đô thị. Theo đó, Hội thảo điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên hiện trạng và động lực phát triển của thành phố; Điều tra và phân tích hiện trạng KTXH, tình hình sử dụng đất và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, rà soát việc thực hiện xây dựng theo đồ án sau 15 năm triển khai xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt năm 1997, xác định những tồn trại cần điều chỉnh; lập quy hoạch ngắn hạn đến 2020, điều chỉnh hướng phát triển không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ cảnh quan môi trường thành phố đến năm 2030, phù hợp với tình hình phát triển KTXH của tỉnh và định hướng quy hoạch chung của khu KTM Chu Lai và quy hoạch vùng Đông tỉnh Quảng Nam.
Đ/c Nguyễn Văn Lúa - Chủ tịch UBND Thành phố
Sau khi báo cáo, phân tích tổng quan hiện trạng và nguồn lực của thành phố Tam Kỳ, phía công ty Nikken Sekkei đã tư vấn lựa chọn phương án xây dựng cấu trúc đô thị mật độ thấp ở phía Đông Bắc sông Bàn Thạch vì phương án này tập trung vùng đô thị nên tính khả thi của việc xây dựng đô thị thông minh sẽ cao; Phương án này sẽ phát huy hiện trạng, đặc trưng vùng miền, phù hợp với Tam Kỳ như: Đô thị trung tâm, đô thị mật độ thấp, đô thị xanh…; Bên cạnh đó do không di dời quy mô lớn khu dân cư hiện hữu nên đây là phương ái có tính khả thi cao.
Ông Nguyễn Tấn Vạn-CT-Hội KTS Việt Nam
Cũng tại buổi hội thảo, nhiều đại biểu đã có ý kiến, đề xuất xung quanh một số vấn đề: Giữ gìn bản sắc Tam Kỳ trong định hướng phát triển đô thị; tính khả thi của dự án điều chỉnh quy hoạch mới cần phải được đặt trong mối quan hệ với đồ án cũ, vì khi thay đổi quá nhiều sẽ khiến tốn kém kinh phí và không khả thi; Đề án quy hoạch mới phải ở mức vừa phải, phù hợp với quy mô thành phố Tam Kỳ; sự bất hợp lý trong việc bố trí KCN Tam Thăng như dự án đã đề xuất; định hướng, tầm nhìn dài hạn chiến lược phát triển thành phố cần gắn với mối quan hệ liên vùng…. Đồng thời, cùng với đơn vị tư vấn phân tích, thảo luận, cân nhắc để tìm ra định hướng tốt nhất cho đô thị Tam Kỳ giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lúa thể hiện sự nhất trí cao đối với phương án định hướng phát triển về phía Đông Nam thành phố, phát triển cụm du lịch kết hợp, phát huy giá trị văn hóa lịch sử địa phương. Đồng thời, đề xuất đơn vị tư vấn cần có giải pháp hiệu quả trong vấn đề trị thủy và đảm bảo diện tích đất sản xuất nông nghiệp phù hợp với định hướng xây dựng đô thị sinh thái