|
Xã biển Tam Thanh là một địa phương giàu truyền thống đấu tranh cách mạng của thành phố Tam Kỳ. Sau ngày giải phóng, dù đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần cần cù lao động, chịu thương chịu khó, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, đặc biệt là phong trào thi đua “dân vận khéo” trong các đoàn thể từ xã đến thôn đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển các mặt kinh tế - văn hóa- xã hội của địa phương, mang lại diện mạo mới cho mảnh đất này.
|
Những ngày này về với xã Tam Thanh, không khí tưng bừng, phấn khởi hiện rõ trên từng nét mặt người dân nơi đây. Các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn của quê hương, đất nước được nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, nhớ lại những năm tháng gian khổ, vất vả sau chiến tranh, cuộc sống bây giờ thay đổi nhiều lắm, đi trên con đường bê tông nông thôn vững chắc xây dựng theo chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, 2 bên đường rợp bóng màu cờ tổ quốc mới thấy niềm tin son sắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước.
Sự thay đổi rõ rệt nhất bắt đầu từ nhận thức và suy nghĩ của nhân dân. Năm 2012, 100% trẻ em địa phương ra trường đúng độ tuổi, không còn tình trạng học sinh phải bỏ học giữa chừng, thông qua các chương trình văn nghệ và hoạt động cộng đồng, các hội đoàn thể đã lồng ghép nội dung tuyên truyền về chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ em tuổi vị thành niên, tình trạng trẻ buôn bán hàng rong ở khu vực bãi tắm cũng giảm đáng kể... tình trạng ô nhiễm môi trường, chèo kéo khách du lịch... ở khu vực du lịch bãi tắm đã không còn là nỗi lo khi mọi người dân đều ý thức được việc gìn giữ hình ảnh đẹp trong mắt du khách. Cuối năm 2012, hơn 40 hộ kinh doanh ở khu vực bãi tắm Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh đã thành lập câu lạc bộ “Dịch vụ - du lịch văn hóa” với quyết tâm thực hiện kinh doanh theo nếp sống văn hóa, nhiệt tình, mến khách, có thái độ phục vụ chu đáo; đồng thời giúp đỡ lẫn nhau phát triển các loại hình dịch vụ - du lịch văn hóa, đảm bảo môi trường du lịch trong lành, an toàn cho du khách.
Đoàn Thanh niên và học sinh tham gia dọn vệ sinh trên bãi biển
Để có được những kết quả phấn khởi đó, đầu tiên là nhờ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng bộ xã Tam Thanh gắn với phong trào “Dân vận khéo”. Vào năm 2009, xuất phát từ thực tế khó khăn chung của địa phương, BCH Đảng bộ và Khối Dân vận Đảng Ủy xã Tam Thanh đã phát động và chỉ đạo xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong các hội, đoàn thể của xã với mục tiêu “dựa vào sức mạnh nội lực, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng quê hương”. Từ đây, nhiều cách làm hay, mô hình tốt từ phong trào được kịp thời động viên, tuyên dương và nhân rộng trong quần chúng nhân dân. Điển hình là hội Nông dân với phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và xóa đói giảm nghèo”. Hàng năm, Hội vận động hội viên nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi nghề nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết của Đảng bộ đề ra. Các phong trào thi đua SKKD giỏi đã thật sự đi vào đời sống của nông dân. Chỉ tính riêng năm 2012, toàn xã có 420 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và giúp cho 9 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Trong điều kiện, phần lớn diện tích đất canh tác đều bị nhiễm mặn, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nguồn lợi thủy, hải sản vốn khá bấp bênh, đó thực sự là thành quả đáng mơ ước với bất kì địa phương nào trên địa bàn thành phố Tam Kỳ. Chia sẻ về bí quyết trong công tác dân vận của mình, một đại biểu Hội Nông dân giản dị cho biết: “Phần lớn nhân dân ở đây có đời sống khó khăn nên dân vận khéo là phải xuất phát từ thực tế, tuyên truyền chủ trương, chính sách phải mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân và quan trọng nhất là phải xuất phát từ cái tâm của người cán bộ dân vận”.
Cũng chính từ cái tâm không ngại khó, không ngại khổ ấy mà suốt hơn 4 năm trời, Ban dân vận khéo của Hội Phụ nữ xã đã kiên trì đến từng nhà, vận động từng người tham gia phong trào phụ nữ địa phương. Kết quả nổi bật đó là mô hình “CLB phụ nữ phát triển kinh tế” của Hội LHPN xã. Bắt đầu ra mắt từ năm 2009, mỗi tháng mỗi chị tự nguyện đóng góp 300 nghìn đồng để làm quỹ góp vốn xoay vòng, đến nay duy trì 5 CLB với 353 hội viên phụ nữ tham gia với số tiền hơn 50 triệu đồng, giúp đỡ cho 35 lượt phụ nữ vay ưu đãi mỗi năm. Sau 4 năm hoạt động, có gần 150 lượt người hưởng lợi với số tiền lên đến trên 200 triệu đồng. Chia sẻ về hiệu quả mô hình “CLB phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, chị Trần Thị Cúc – PCT. Hội Phụ nữ xã vui vẻ cho biết:
Trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Tam Thanh rất chú trọng đối với mô hình xây dựng quỹ góp vốn xoay vòng giúp phụ nữ nghèo. Đến nay, đã hỗ trợ cho hàng trăm chị vay vốn, niềm vui với chúng tôi đó là đa số các chị khi được vay vốn đều đã sử đúng mục đích cũng như thực hiện hết khả năng của nguồn vốn để từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chi hội Phụ nữ trao phương tiện sinh kế cho phụ nữa nghèo
Ngoài ra, Hội còn duy trì mô hình phụ nữ giúp đỡ trao phương tiện sinh kế cho hội viên nghèo giúp họ từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững và vận động hội viên tham gia xây dựng gia đình văn hóa gắn với tiêu chí nâng cao bình đẳng giới, cải thiện điều kiện sinh hoạt vệ sinh... Nhờ đó, vai trò của người phụ nữ trong gia đình được nâng cao rõ rệt, công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi người được quan tâm đúng mức, cuối năm 2012, toàn xã có 90% hộ dân có công trình vệ sinh đảm bảo quy chuẩn so với chỉ có 45% khi mới phát động năm vào 2008.
Bên cạnh đó, là một số mô hình nổi bật của các hội, đoàn thể khác như: Hội Cựu chiến binh với mô hình “Chi hội tự quản về an ninh trật tự tại thôn Trung Thanh góp phần hạn chế tội phạm về ANTT, giữ vững bình yên cho nhân dân và Đoàn Thanh niên với mô hình “Thanh niên trong công tác vận động đoàn viên thanh niên tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường”. Thông qua mô hình này, Đoàn Thanh niên xã đã vận động hàng nghìn lượt ĐVTN trên địa bàn, cùng với cán bộ, hội viên Hội LHPN xã, cán bộ chiến sỹ Chi đoàn Đồn Biên phòng Tam Thanh tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường tại khu vực khu du lịch bãi tắm Hạ Thanh 1, bãi tắm Thanh Đông – Tỉnh Thủy, dọn vệ sinh các tuyến đường bê tông giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt văn hóa các thôn, nghĩa trang liệt sỹ… góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, ĐVTN và nhân dân trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường. Anh Võ Quang Hân – Bí thư Đoàn xã Tam Thanh cho biết: Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, trong thời gian sắp tới, Đoàn xã sẽ cùng với BCH Đảng bộ và các ban ngành đoàn thể của xã, đặc biệt là tổ dân vận của thôn Hạ Thanh 1 tiếp tục vận động nhân dân tham gia và chấp hành tốt chủ trương giải tỏa – GPMB tại khu tái định cư Nam Tam Thanh và khu du lịch bãi tắm Hạ Thanh 1.
Không chỉ vận động trong các Hội đoàn thể mà phong trào Dân vận khéo ở Tam Thanh còn được nhân rộng ở các khu dân cư. Còn nhớ năm 2010, khi chính quyền xã công bố chủ trương của nhà nước về xây dựng các vùng nông thôn mới với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bà con nhân dân trên địa bàn xã Tam Thanh đều nhiệt tình hưởng ứng. Điển hình là mô hình Dân vận khéo huy động vốn đối ứng xây dựng đường bê tông giao thông nông thôn và xây dựng thiết chế văn hóa tại thôn Tỉnh Thủy. Nhiều hộ đã tình nguyện hiến hàng trăm mét đất đai, công trình vệ sinh chuồng trại, tường rào cổng ngõ... để thuận theo chủ trương mở đường như các hộ ông bà: Nguyễn Trị, Đỗ Kim Anh, Nguyễn Xuân Hồng, Lê Xuân Hùng, Nguyễn Thị Phượng... với tổng giá trị ước tính hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, Ban dân vận còn vận động nhân dân và những người con xa quê trên mọi miền tổ quốc tham gia đóng góp số tiền gần 100 triệu đồng, trên 200 ngày công... kết qủa đã làm được gần 3 km đường bê tông giao thông nông thôn. Tiếp tục phát huy mô hình này, đến nay hầu hết các tuyến đường tại địa bàn thôn Tỉnh Thủy đều đã được bê tông hóa. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt và phát triển kinh tế trên địa bàn. Mô hình này, năm 2010 cũng đã được Ban dân vận Tỉnh ủy tuyên dương, khen thưởng.
Hiện nay, trên địa bàn xã Tam Thanh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm của thành phố Tam Kỳ như Khu du lịch nghỉ dưỡng Phước Lộc Thọ, KDL bãi tắm nhân dân ở thôn Hạ Thanh I và khoảng tháng 6 tới sẽ là nơi tổ chức các giải thi đấu thể thao bóng đá, bóng chuyền bãi biển trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam 2013. Chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương đang rất háo hức chào đón những sự kiện lớn sắp diễn ra trên quê hương mình. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức không nhỏ để Tam Thanh có bước chuyển mình lớn lao trở thành điểm đến văn hóa du lịch hấp dẫn trong mắt du khách. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là công tác bồi thường – giải phóng mặt bằng và cải thiện môi trường du lịch thân thiện.
Nhằm giải quyết bài tóan đó, mới đây, xã Tam Thanh đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào dân vận khéo, trong đó tiếp tục phát huy mô hình “Dân vận khéo” trong công tác vận động nhân dân chấp hành chủ trương đền bù giải tỏa – GPMB, tái định cư tại Trung tâm hành chính của xã ở 2 thôn Thượng Thanh và Thanh Tân và nhân rộng mô hình này ra toàn xã. Ngoài ra, còn có các mô hình dân vận khéo về vệ sinh môi trường ở thôn Thanh Tân, mô hình “3 không” gồm không có người ăn xin, không có trẻ em bỏ học giữa chừng và không có tệ nạn xã hội ở thôn Thanh Đông. Ông Nguyễn Văn Đạo – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng Khối Dân vận cho biết thêm:
Từ năm 2009 đến nay, sau khi có chủ trương của Ban Dân vận Trung ương, Đảng ủy và Khối dân vận xã đã phát động xây dựng nhiều mô hình dân vận khéo, bước đầu được nhân dân hưởng ứng rất tích cực. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy những mô hình đã ra mắt và tăng cường vận động nhân dân chấp hành với chủ trương BT-GPMB của nhà nước. Để làm công tác này, địa phương có kiến nghị, đề xuất với Ban dân vận Thành Ủy nên triển khai nhiều hơn nữa các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Dân vận cơ sở, tiếp đó là thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, công khai niêm yết rõ ràng để thực hiện quyền làm chủ của dân, để nhân dân tin Đảng, góp phần phát huy hiệu quả công tác dân vận trong những những tiếp theo.
Từ khi có các mô hình dân vận khéo đến nay, nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn – hội viên và các tầng lớp nhân dân chuyển biến rõ rệt trên nhiều mặt. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm giảm dần, đến nay còn 9,85%, tâm trạng nhân dân ổn định và luôn tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước. Đó chính là sự ghi nhận xứng đáng những nổ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Tam Thanh trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, những thành quả ấy có được trong tình hình khó khăn chung của quê hương càng cho thấy được giá trị sâu sắc của chữ tâm và bài học đoàn kết toàn dân trong công tác dân vận.