Ngày 27/7/1947, Hội nghị các cơ quan chính phủ, các Hội đoàn thể ở Trung ương tổ chức tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định chọn ngày 27/7 hằng năm là "Ngày Thương binh toàn quốc" (sau đổi thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ). Nhân sự kiện này, Bác Hồ đã gửi thư cho Thường trực Ban Tổ chức ngày Thương binh Liệt sỹ toàn quốc, bức thư có đoạn viết "… Đây là dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, yêu mến Thương binh, …họ là những người hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào …vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh dũng ấy". Từ đó, đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cả nước nói chung đã dấy lên nhiều phong trào hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" sôi nổi, kịp thời, thiết thực, góp phần động viên thân nhân gia đình liệt sỹ, bản thân những Thương binh, bệnh binh vượt lên số phận, vượt qua những mất mát đau thương an tâm hoà nhập cuộc sống cộng đồng. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã huy động sức người, sức của, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện chiến tranh nhân dân, đã đánh thắng 2 đế quốc thực dân lớn của thế kỷ 20. Hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc, là hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình có công với nước. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng tu bổ nghĩa trang Liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày được cải thiện.
Trong gần 7 thập kỷ qua, ngoài công tác chăm lo cho các thương binh-bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công, đến nay, cả nước đã xây dựng khang trang hơn 3000 nghĩa trang liệt sĩ; hơn 2000 nhà bia, tưởng niệm ghi tên liệt sĩ ở các địa phương của cả nước. Với Quảng Nam, mặc dù còn là tỉnh nghèo nhưng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công luôn được xác định với tinh thần trách nhiệm cao nhất, từ năm 1997 đến nay, đã xác lập 20.100 trường hợp được hưởng chế độ hằng tháng, 92.500 trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp 01 lần, có 27. 450 gia đình được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa, xây dựng nhà ở,…
Đối với Thành phố Tam Kỳ-mảnh đất có bề dày truyền thống cách mạng, là địa bàn đánh phá ác liệt nhất của kẻ thù trong 2 cuộc kháng chiến. Đảng bộ và nhân dân thành phố Tam Kỳ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 28/2/1998, công nhận 3.550 liệt sỹ, hơn 1.250 thương binh, bệnh binh, 431 mẹ VNAH (26 mẹ còn sống) và 02 Anh hùng LLVTND. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công được Đảng bộ, chính quyền thành phố tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, huy động tối đa các nguồn lực xã hội và đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH 11 về ưu đãi Người có công với cách mạng thì diện người có công được mở rộng, các chế độ chăm sóc, ưu đãi được thực hiện triệt để, hiệu quả hơn. Đến nay, thành phố đã xác lập thủ tục giải quyết trợ cấp 1 lần và thường xuyên trên 3.500 trường hợp với tổng kinh phí trên 52 tỉ đồng/năm; tiếp nhận và trình cấp thẩm quyền giải quyết chế độ cho 592 trường hợp trực tiếp tham gia kháng chiến và 17 trường hợp là con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 1.439 đối tượng trực tiếp tham gia chống Mỹ nhưng chưa được hưởng chế độ với tổng số tiền gần 4,5 tỉ đồng; hỗ trợ giáo dục-đào tạo cho 4.216 đối tượng người có công và con em người có công với gần 11,5 tỉ đồng; từ năm 2006 đến nay đã đưa 960 đối tượng đi điều dưỡng tập trung và cấp chế độ điều dưỡng tại nhà cho trên 4.600 người; cấp hơn 2.300 thẻ khám chữa bệnh hàng năm và hỗ trợ cải thiện nhà ở trên 817 trường hợp với kinh phí trên 8,5 tỉ đồng; nâng cấp, tu sửa 04 nghĩa trang Liệt sỹ; 100% mẹ VNAH còn sống đã nhận được phụng dưỡng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội,...
Do hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề, đất nước vừa thoát khỏi tình trạng kém phát triển, cả nước nói chung và thành phố Tam Kỳ nói riêng luôn quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ nhưng cuộc sống của một bộ phận thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều đồng chí hy sinh chưa tìm được hài cốt. Thực hiện đường lối, quan điểm, tư duy của Đảng và Nhà nước ta và tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian đến các Cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành thành phố Tam Kỳ sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công; tiếp tục rà soát, thực hiện phương châm tuyệt đối không để lọt, để sót và giải quyết dứt điểm những trường hợp người có công nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sánh của Đảng và Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội động viên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, kêu gọi các doanh nghiệp, các cá nhân và các nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua tiếp tục tham gia tích cực, với nhiều hình thức phong phú, năng động sáng tạo vào các hoạt động như vận động phát triển quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", phụng dưỡng các Mẹ VNAH, tặng nhà tình nghĩa, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ hỗ trợ trực tiếp vật chất, cổ vũ tinh thần cho các gia đình chính sách gặp nhiều khó khăn, người sống cô đơn, không nơi nương tựa,... đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình về phát triển kinh tế, cho vay vốn ưu đãi và vận động các đối tượng chính sách có điều kiện tham gia phát triển kinh tế, góp phần làm cho phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với nước" thật sự trở thành phong trào xã hội rộng lớn đem lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục sâu sắc,...góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Tam Kỳ đạt các tiêu chí đô thị loại 2 vào năm 2015.