|
Để Đề án 1956 về Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020 của Thành phố Tam Kỳ đạt kết quả, từng bước tạo điều kiện cho các đối tượng lao động trong diện thu hồi đất sản xuất, lao động làm các nghề khác có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, Thành phố Tam Kỳ đang tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề.
|
Tại lớp dạy nghề “Kỹ thuật chế biến món ăn” do phòng LĐTB&XH thành phố phối hợp với Trung tâm dạy nghề và xúc tiến việc làm thuộc Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Nam mở tại phường Tân Thạnh. Gác lại công việc gia đình và những bộn bề sau một ngày làm việc vất vả, các chị - những phụ nữ lao động buôn gánh bán bưng, không có việc làm ở nhà nội trợ đã đến lớp học với tinh thần hăng say. Công việc nấu ăn tưởng chừng là dễ nhưng làm sao để bữa ăn gia đình đầy đủ chất dinh dưỡng, các món ăn được nấu đúng cách, trình bày bắt mắt, cách thức phối hợp, chọn thực phẩm tươi ngon thì không hề đơn giản chút nào. Các chị tham dự lớp học này không chỉ để nâng cao kỹ năng nấu ăn đáp ứng nhu cầu trong gia đình mà còn mong muốn tìm được một công việc ổn định ngoài xã hội. Chị Huỳnh Thị Quy đã lập gia đình, có 2 con. Một công việc ổn định với mức lương đảm bảo việc chi tiêu trong gia đình là mơ ước bấy lâu của chị. Hiện tại chị làm công việc thu gom rác thải tại khối phố Đoan Trai – phường Tân Thạnh đã được 6 tháng. Buổi sáng, chị làm việc từ lúc 5h đến 10h, buổi chiều từ 13 giờ đến 15 giờ thu nhập 1 triệu đồng/tháng. Với mức lương này chị không đủ chi tiêu trong gia đình. Chi Quy chia sẻ thêm “Công việc thu gom rác thải vất vả; những lúc rác nhiều, thùng rác nặng việc kéo và khiên thùng rác rất khó khăn. Vả lại tiếp xúc rác nhiều trong khi đồ bảo hộ lao động không bao nhiêu nên ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi nghe UBND phường Tân Thạnh có lớp dạy nghề nấu ăn, tôi đã đăng ký tham gia với hy vọng sau lớp học tôi có thể tìm một công việc nhẹ nhàng, ổn định hơn”. Được biết trước đó chị Quy cũng đã từng có thời gian dài làm công nhân may ngoài Đà Nẵng nhưng thu nhập không đủ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày nên đã bỏ về quê.
Lớp học không chỉ thu hút đông đảo phụ nữ trên địa bàn phường tham gia mà còn có cả nam giới cũng hứng thú với công việc bếp núc. Anh Nguyễn Quốc ở khối phố Mỹ Thạch Trung – một trong hai người nam tham gia lớp dạy nghề đã học được cách chế biến nhiều món ăn đáp ứng nhu cầu nấu tiệc. Thời gian qua anh Quốc cũng có tham gia làm công cho các dịch vụ nấu tiệc cưới nhưng không nhiều và không thường xuyên vì phải đi xa. Thu nhập lại chẳng bao nhiêu. Anh Nguyễn Quốc chia sẻ: “Trong khi tôi chưa có việc làm ổn định thì việc tham gia lớp nấu ăn giúp tôi nâng cao kỹ năng chế biến món tiệc, qua đó tôi tự tin có thể tìm việc làm ổn định hơn và dự định sẽ mở dịch vụ nấu tiệc riêng”.
Lớp dạy nghề “Kỹ thuật chế biến món ăn” chú trọng vào thực hành, lý thuyết chỉ chiếm 30 % nên các học viên lĩnh hội cách chế biến món ăn nhanh nhất và cũng dễ hiểu nhất. Kết thúc lớp học các học viên được cấp bằng chứng chỉ đảm bảo có thể tìm kiếm một công việc tại một quán ăn, nhà hàng; hay tự mở quán kinh doanh ăn uống tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế của gia đình. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ lớp học được trích từ nguồn ngân sách của Đề án 1956 của Thành phố Tam Kỳ. Tổng số tiền 52 triệu đồng. Bên cạnh được học, được cấp chứng chỉ, các học viên là người có công cách mạng, thân nhân người có công cách mạng, hộ nghèo, lao động thuộc diện mất đất sản xuất còn được hỗ trợ tiền.
Mặc dù Đề án 1956 về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được Tam Kỳ xây dựng từ năm 2010 nhưng đến tháng 12/2012 UBND tỉnh Quảng Nam mới phân bổ kinh phí đào tạo nghề về cho các huyện, thành phố. Sau khi có nguồn khi phí, thành phố Tam Kỳ đã khảo sát nhu cầu của 13 xã, phường; đồng thời tiến hành mở lớp đào tạo nghề. Tính đến thời điểm hiện tại; Tam Kỳ đã mở được 15 lớp dạy nghề bao gồm cả dạy nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp với sự tham gia của 521 lao động nông thôn trên địa bàn thành phố.