|
Thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương luôn phải hứng chịu bão lụt mỗi năm. Mỗi khi bão đi qua để lại những thiệt hại nặng về người và tài sản, mà không phải một sớm một chiều có thể khôi phục lại được. Cũng vì lẽ đó, mọi công tác chuẩn bị ứng phó trước trong và sau bão đã trở thành công việc cấp thiết của chính quyền và nhân dân địa phương.
|
Trong cơn bão số 11 vừa qua, thành phố Tam Kỳ là địa phương có mức thiệt hại thấp hơn so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh . Đây là bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với thiên tai mà cán bộ nhân dân và LLVT Thành phố Tam Kỳ đã phải tập trung bằng bao nhiêu công sức và trên hết đó là bài học về tinh thần đoàn kết trách nhiệm để cùng vượt qua thử thách của tự nhiên.
Trong cơn bão số 11 vừa qua, xã biển Tam Thanh được đánh giá là địa phương đã làm tốt nhất công tác chuẩn bị ứng phó với bão lụt và khắc phục hậu quả sau bão. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB và TKCN thành phố Tam Kỳ, địa phương đã chủ động lên kế hoạch ứng phó với phương châm 4 tại chỗ, tích cực gia cố các tuyến đê trọng yếu, dễ bị sạt lở, đồng thời chuẩn bị chu đáo mọi phương án, thiết bị cụ thể để ứng phó với bão. Đặc biệt, các lực lượng xung kích PCLB địa phương phối hợp với Đồn biên phòng Tam Thanh di dời hơn 600 hộ dân vùng có nguy cơ bị sạt lở, cô lập vào các trụ sở, trường học kiên cố để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho nhân dân, đồng thời giúp đỡ bà con chằng chống nhà cửa, di dời hàng trăm phương tiện đánh bắt vào khu vực neo đậu an toàn. Nhờ đó, địa phương đã giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Ông Nguyễn Thanh Lâm – Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết:
“Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, UBND đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống cơn bão số 11. Sau cuộc họp, toàn bộ cán bộ của xã, của thôn cùng với lục lượng Đồn biên phòng tập trung tuyên truyền vận động, cùng với nhân dân đưa toàn bộ phương tiện đánh bắt của ngư dân từ thôn Hạ Thanh 1 đến thôn Thượng Thanh qua khỏi khu vực bờ kè ven biển. Đồng thời, lãnh đạo địa phương được chia ra các tổ đến vùng trọng yếu vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn, tập trung ở các công trình công cộng trong như trường học, đồn biên phòng và trụ sở UBND. Chính vì công tác chuẩn bị hết sức chu đáo như vậy nên ngay sau khi bão đi qua, trên địa bàn xã Tam Thanh không có thiệt hại về người không có thiệt hại về tài sản, phương tiện sản xuất”.
Với các chiến sỹ bộ đội của Đồn biên phòng Tam Thanh, những ngày vừa qua họ có mặt gần như ở tất cả các điểm nóng, khó khăn, vất vả nhất, căng sức vật lộn với mưa gió để giúp dân di dời tài sản, chằng chống nhà cửa, phương tiện tàu thuyền đánh bắt. Ngay trong đêm bão đổ bộ vào đất liền, đơn vị đã tổ chức di tản cho hơn 200 hộ dân, chủ yếu là người già và trẻ em vào Đồn trú ẩn. Phòng ở của các chiến sỹ được nhường lại cho người dân, còn các anh phải túc trực suốt đêm để ứng phó với bão đồng thời trấn an, động viên bà con. Đại úy Đinh Ngọc Anh – Đồn trưởng Đồn biên phòng Tam Thanh nhớ lại:
“Dù tình huống phát sinh nhưng vẫn có khoảng 20 chiến sỹ xung phong đưa đón, hỗ trợ người dân, đơn vị cũng đã trưng dụng 2 ô tô tải (loại 7,5 tấn/chiếc) cùng nhiều phương tiện cơ động khác để kịp thời xử lý mọi tình huống. Trong khi sơ tán, có nhiều cụ già, phụ nữ và trẻ em đã bị trượt ngã, bị thương đều được các y, bác sỹ quân y chăm sóc chu đáo nên sức khỏe nhân dân cơ bản ổn định. Ngoài ra, đơn vị cũng đã chuẩn bị về nước uống, 50 thùng mì tôm và hàng trăm suất cơm để người dân ăn lót dạ”.
Ngay khi bão tan, nhiều chiến sỹ bộ đội được điều động từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Đồn biên phòng Tam Thanh đã trực tiếp xuống địa bàn bị thiệt hại nặng ở xã Tam Thanh để giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do bão số 11 gây ra. Cùng với lực lượng tại chỗ, các chiến sỹ bộ đội đã tích cực sửa sang lại hệ thống giao thông, thu dọn cây cối ngã đổ, lợp lại hàng chục mái nhà bị hư hại, tốc mái. Ngoài việc hỗ trợ nhân dân sớm ổn định về chỗ ở, lực lượng bộ đội còn tham gia chỉnh trang hệ thống khuôn viên, phòng học của các cơ sở trường học để giúp học sinh yên tâm trở lại trường. Chiến sỹ Nguyễn Văn Việt được điều động từ Trung tâm huấn luyện cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết:
Công việc chúng tôi làm là đón hạ cây cối đổ ngã để giải phóng mặt bằng, khắc phục hệ thống giao thông và giúp dân sửa sang các căn nhà bị sụp, tốc mái. Chúng tôi rất vui và vinh dự khi được góp chút sức mọn của mình giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão.
Ngoài những yếu tố trên, sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo thành phố Tam Kỳ cũng đã góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân. Trước và sau khi bão đổ bộ vào các tỉnh Miền Trung, UBND thành phố đã tổ chức họp khẩn cấp để chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó và khắc phục hậu qủa cơn bão số 11. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố Tam Kỳ thường xuyên trực tiếp xuống các địa phương vùng ven Tam Kỳ để nắm bắt tình hình, thăm hỏi và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại sau bão, góp phần động viên nhân dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Tại khu vực nội thị, ngay sau bão tan toàn lực lượng được huy động từ ngành điện lực, môi trường đô thị, lực lượng dân quân cho đến người dân….đã nhanh chóng ra quân khắc phục hậu quả của bão chỉ sau 3 ngày đã trả lại môi trường sạch đẹp cho phố. Ông Nguyễn Văn Lúa – Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết:
Ngay sau khi bão tan, chúng tôi đã triển khai các lực lượng công an, đội quy tắc đô thị, Thành đội và các địa phương ra quân để đảm bảo giao thông và đặc biệt là đối với khu vực vùng ven thì chúng tôi chú ý đến nhà cửa của nhân dân, tích cực huy động các đơn vị giúp các hộ dân lợp lại nhà cửa. Thành phố cũng có chủ trương hỗ trợ những đối tượng nhà bị sập hoàn toàn, tốc mái hoàn toàn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách, mỗi trường hợp 5 triệu đồng để đảm bảo khắc phục ngay sau khi bão tan, cho đến nay hầu hết các trường hợp nhà sập, tốc mái đã được khôi phục.
Theo thống kê trong cơn bão số 11 vừa qua, toàn thành phố đã sơ tán được trên 1.857 hộ với khoảng 8.403 nhân khẩu tại các xã Tam Thanh, Tam Phú, Tam Thăng, An Phú. Bão đã làm thiệt hại khoảng 27 tỷ đồng. Trong đó: 41 căn nhà sập, 517 căn nhà tốc mái, hoa màu bị hư hại khoảng 25 ha, đường giao thông, kênh mương bị sạt lở khoảng 1.250m3, nhiều trụ điện cao thế, hạ thế cây xanh bị đổ ngã… Ngoài ra bão cũng đã gây nhiều thiệt hại cho ngành y tế và giáo dục. Những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại một phần là do yếu tố khách quan của tự nhiên nhưng bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp thờ ơ, thậm chí chủ quan trong việc triển khai các phương án ứng phó với lụt bão.
Theo ông Đỗ Ngọc Thanh – Trưởng thôn Ngọc Mỹ xã Tam Phú cho biết, bão số 11 đã làm hơn 30 ha dưa gang vụ Đông Xuân của nông dân địa phương bị hư hại, dập nát hơn 80%, ước tính thiệt hại trên vài ba trăm triệu đồng. Hiện tại, người dân đang cố gắng chăm bón những cây còn sống sót để hy vọng vớt vát chút vốn liếng. Được biết, những năm trước đây, mùa dưa gang trái vụ này thu hoạch vào dịp Tết nguyên đán, mang lại thu nhập không dưới 5 triệu đồng mỗi sào, mỗi gia đình có ít nhất 3 đến 5 sào, có nhà hơn 20 sào nên đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ, góp phần ổn định cuộc sống của người nông dân địa phương. Không riêng gì xã Tam Phú nhiều nông dân ở các xã vùng ven khác cũng cùng chung cảnh ngộ.
Người ta có thể đồng cảm, sẻ chia với những thiệt hại của người nông dân bởi vì thiên tai, bão lụt là yếu tố khách quan, là nỗi lo mà người nông dân dù cần cù, chịu khó “một nắng hai sương” vẫn không thể thay đổi được quy luật của thiên nhiên. Thế nhưng sự việc hàng chục chiếc ghe cào hến của ngư dân thôn Tân Phú xã Tam Phú bị sóng lớn đánh chìm, trong đó có một số đến nay vẫn chưa tìm được và hơn 3 ha tôm nuôi trái lịch bị nước tràn hồ cuốn trôi lại có một phần lỗi từ phía người dân. Anh Nguyễn Tấn Sỹ, một ngư dân bị trôi mất ghe sau bão cho biết:
“Trước khi bão đến, chính quyền địa phương ở đây cũng thông báo vận động bà con đưa ghe lên bờ, neo đậu an toàn nhưng một phần vì chủ quan, phần do cơn bão quá lớn khiến hàng trăm chiếc ghe của người dân chúng tôi bị bão giật đứt dây, nhấn chìm. Đến khi chúng tôi tìm cách giữ lại thì mưa to gió lớn quá, nước chảy xiết quá nên không thể nào chèo chống được đành phải để trôi mất ghe”.
Nếu dùng một phép so sánh với con số hơn 700 phương tiện tàu thuyền lớn, nhỏ được đảm bảo an toàn tuyệt đối của ngư dân vùng biển Tam Thanh sẽ không khó để xác định nguyên nhân. Sự mất mát nào cũng để lại bài học xót xa nhưng giá như người dân thôn Tân Phú cẩn trọng hơn, chu đáo hơn trong việc bảo vệ tài sản của mình thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được nhiều rủi ro khi bão đến.
Hơn 10 ngày sau khi bão đi qua, nhịp sống bình yên đã dần trở lại nhưng đâu đó ở các xã phường vùng ven Tam Kỳ, dấu ấn về khoảng thời gian gần 1 tuần phải sống trong tình trạng không điện, không nước uống, khó khăn và thiếu thốn…sẽ còn in đậm trong tâm trí người dân. Tại khu vực nội thị, phần lớn cây cối đổ ngã đã được trồng lại nhưng chắc chắn sẽ phải mất thời gian khá lâu thì cây mới bám rễ vững chắc. Vấn đề ngập úng cũng đã được các cơ quan chức năng mổ xẻ để tìm ra giải pháp hữu hiệu mỗi khi mùa mưa đến. Người dân bị thiệt hại về tài sản cũng đã cảm nhận được nhiều hơn sự giúp đỡ sẻ chia của cộng đồng đã giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Và đằng sau nhiều thiệt hại có không ít trường hợp sẽ nhận thấy sự cần thiết nhất để chống chọi với thiên tai là tinh thần trách nhiệm tự bảo vệ chính mình và sự đoàn kết cùng cộng đồng. Tất cả những bài học đắt giá ấy cần được phân tích cặn kẽ để góp phần hạn chế thiệt hại cho nhà nước và nhân dân ở mảnh đất phải chịu hàng nhiều cơn bão mỗi năm như Tam Kỳ, Quảng Nam.